Hiện nay, diện tích trồng ổi của tỉnh Sóc Trăng là 1.200 ha; gồm các giống ổi lê Đài Loan, Nữ Hoàng, Ruby.
Thời gian gần đây, hiện tượng vàng lá chết cây ổi xuất hiện tại một số địa phương (chủ yếu trên giống Nữ Hoàng) và có khuynh hướng ngày càng tăng khiến nhà vườn lo lắng do chưa có biện pháp phòng, trị kịp thời.
Qua khảo sát thực tế tại huyện Kế Sách cho kết quả như sau:
1. Triệu chứng
Cây ổi bị nhiễm bệnh biểu hiện triệu chứng cây sinh trưởng kém, lá úa vàng; một số lá xuất hiện những mảng màu nâu làm lá bị khô khiến lá mo lại (Hình 1). Bộ rễ phát triển kém (rễ ít, nhỏ - Hình 2). Bệnh nặng cây bị còi cọc, rụng lá dần và chết (Hình 3). Cây bị nhiễm bệnh thường xuất hiện rải rác trong vườn.

|

|

|
Hình 1: Lá bị khô và mo lại
|
Hình 2: Rễ kém phát triển
|
Hình 3: Cây rụng lá và chết dần
|
2. Nguyên nhân
- Theo nhận định ban đầu, bệnh vàng lá, chết cây trên ổi do nhiều yếu tố: phương pháp lên liếp, điều kiện môi trường đất bị nén dẽ, độ pH thấp (đất chua) và các bệnh hại hiện diện trong đất.
- Qua điều tra, ghi nhận tại một số nhà vườn trồng ổi bệnh vàng lá chết cây ổi xuất hiện quanh năm nhưng phổ biến hơn vào mùa khô từ tháng 1-5 và gây hại chủ yếu ở các vườn ổi từ 1,5 đến 2 năm tuổi trở lên. Bên cạnh đó cũng ghi nhận tại các vườn ổi xảy ra bệnh vàng lá chết cây ổi tình trạng đất bị chua, phèn (pH đất từ 3,5- 5), một số vườn mới lên liếp từ đất ruộng thì đất ngoài mô rất cứng. Đất bị chua, và cứng (đất bị nén dẽ quá chặt) khiến rễ kém phát triển, mầm bệnh dễ dàng tấn công gây hại rễ dẫn đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng kém, làm cho cây ổi trở nên suy yếu, còi cọc, rụng lá dần và cuối cùng bị chết.
3. Biện pháp quản lý
Giải pháp khắc phục một cách căn cơ hiện tượng này là tạo môi trường đất tốt để giúp rễ phát triển mạnh, rễ mạnh thì cây khỏe, cây khỏe sẽ có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, cho năng suất, chất lượng cao và kéo dài tuổi thọ của cây.
* Trường hợp lên liếp từ đất ruộng để lập vườn trồng ổi, muốn tránh hiện tượng vàng, rụng lá, chết cây xảy ra (thời điểm 18 sau khi trồng trở đi), cần chú ý các giải pháp sau:
Xử lý đất trước khi trồng: Phần đất ngoài mô được xới để cục đất nhỏ cỡ 2-4 cm và phơi khô ải trong mùa nắng (Hình 4). Khi đất khô, tiến hành tưới nước vôi (Hình 5). Liều lượng vôi ngâm để lấy nước tưới khoảng 500 – 1.000 kg/ha, tùy thuộc vào độ chua của đất vườn (có thể ngâm vôi ngay trong mương vườn với mực nước phù hợp và sử dụng máy bơm để tưới vào đất cần xử lý). Tưới nước vôi vào cục đất khô sẽ đem lại hiệu quả hơn là rải vôi vì nước vôi được đất hấp thu ở mức tối đa. Đất sau khi xử lý vôi sẽ giảm độ chua (pH= 6-7 là thích hợp cho cây ổi phát triển), phục hồi cấu trúc đất làm đất thông thoáng, thấm nước tốt.
Làm xốp đất, chống bạc màu: Để đất tơi xốp hơn, có thể sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học (Trichoderma) bón cho cây ổi, tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển tốt, khỏe.
* Trường hợp vườn đã trồng nhưng đất chưa được xử lý như trên; đất đắp mô không phải là lớp đất mặt, cây chậm phát triển, có triệu chứng vàng lá, rụng lá: có thể thực hiện các bước như phần trên để “sửa sai”, giúp vườn phục hồi và phát triển trở lại. Tuy nhiên, trong trường hợp này đất đắp mô cũng cần được xới ra để xử lý.
* Trường hợp cải tạo vườn cũ (đã lên liếp và trồng cây ăn trái nhiều năm) để trồng cây ổi thay vì phải đảo liếp và thiết kế lại vườn như nhà vườn thường làm thì có thể cải tạo đất vườn theo các bước như sau:
Loại bỏ gốc cây cũ.
Tưới vườn tạo độ ẩm thích hợp trước khi xới liếp.
Xới toàn bộ liếp sao cho cục đất có kích cỡ khoảng 2-4 cm, phơi khô.
Xử lý đất bằng cách tưới nước vôi, phân làm xốp đất như phần trên.
Gom đất đã được xử lý để làm mô, bón lót trong mô.
Tiến hành trồng cây.
* Thường xuyên theo dõi và kiểm tra vườn cây để phát hiện bệnh sớm và xử lý kịp thời. Đối với cây mới chớm bệnh cần cắt bỏ rễ bị thối và bôi thuốc vào vết cắt bằng một trong các loại thuốc sau: Aliette 80 WP, Ridomil 72WP, Norshield 86.2WG.

|

|
Hình 4: Xới đất tạo độ tơi xốp
|
Hình 5: Tưới nước vôi để giảm độ chua
|
Vũ Bá Quan - Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách